Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Gương điển hình tiên tiến

Gửi Email In trang Lưu
Người nông dân làm du lịch, thoát nghèo góp phần xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc trên cao nguyên núi đá Đồng Văn, Hà Giang

04/07/2023 08:19

            Thôn bình yên nơi cực Bắc:

Giữa bao la núi rừng trùng điệp nơi cực Bắc Tổ quốc, thôn Lô Lô Chải, nơi sinh sống của phần lớn đồng bào người Lô Lô (một trong những dân tộc rất ít người ở Việt Nam) hiện lên bình yên, thơ mộng, cổ kính với những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi, nhà trình tường, mái ngói âm dương, hàng rào đá. Cảnh đẹp ở Lô Lô Chải còn được tạo nên bởi các mùa hoa quanh năm như: Hoa Đào, Mận, Lê, Cải, Tam giác mạch, cúc dại và các loại hoa cảnh quan khác. Đứng tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp thôn Lô Lô Chải. 

Thôn Lô Lô Chải nằm cách Cột Cờ Lũng Cú 1 km thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Mảnh đất vùng viễn biên, nơi những gia đình người Lô Lô, người H’Mông sinh sống và bám rễ, nơi những con người ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc này vẫn ngày qua ngày làm bạn với gió sương. 

 


(Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn - Sưu tầm)

            Người nông dân làm du lịch, thoát nghèo:

          Đến với mảnh đất bình yên đó, chúng ta sẽ gặp Anh Sình Dỉ Gai, dân tộc Lô Lô, Trưởng thôn Lô Lô Chải - Anh là người tiên phòng làm du lịch theo hướng Homestay tại thôn Lô Lô Chải. Nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch của tỉnh Hà Giang trong những năm gần đây, nhất là phát triển mô hình dịch vụ lưu trú cộng đồng Homestay mang lại hiệu quả kinh tế cao, Anh đã nghĩ mình và gia đình phải có một hướng đi mới để thoát được cái nghèo đã theo bám đuổi mình bao lâu nay.

        Nói là bắt tay làm ngay, đầu tiên Anh làm 1 căn phòng nhỏ cho khoảng 6 khách lưu trú, rồi liên hệ với những người làm du lịch ở tỉnh mà anh quen biết để họ giới thiệu khách cho mình. Ngày đón những vị khách du lịch đầu tiên, Anh Gai còn lóng ngóng, không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải làm sao để cho khách hài lòng. Nhưng rồi sự chân thành, mộc mạc, mến khách của người con dân tộc Lô Lô cùng với đời sống văn hoá phong phú, độc đáo giúp Anh "ghi điểm" dần trong lòng du khách. Và cứ thế, vừa làm, vừa học, rồi số lượng khách nhiều dần lên. Năm 2014, Anh lại tu sửa, chỉnh trang lại ngôi nhà cổ để làm du lịch, đón được khoảng 10 khách. Năm 2017, khách ngày càng tăng, Anh làm tiếp một ngôi nhà truyền thống của người Lô Lô, bố trí các phòng ăn, nghỉ, cà phê hợp lý, khu vệ sinh sạch sẽ. Homestay Sình Gai ngay vị trí đắc địa của thôn với không gian rộng rãi, đủ chỗ để cả gần chục chiếc xe ô tô nên khách về nhà Anh cứ thế tăng vùn vụt. Nay, với 2 ngôi nhà dùng để đón khách, Homestay của Anh Gai có thể đón được 50 người mỗi ngày. Vào dịp cuối tuần, ngày lễ, tết đều Full phòng, khách muốn có được chỗ nghỉ tại đây, phải đặt phòng trước cả tháng trời. Phòng ngủ trong ngôi nhà cổ của Anh Gai có giá 800 trăm nghìn đến 1 triệu đồng/đêm. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm. Để làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn, Anh Gai tham gia các lớp tập huấn về tiếng Anh giao tiếp, lễ tân, buồng phòng, nấu ăn, chụp ảnh quảng bá về Homestay trên Facebook, zalo, trở thành một hướng dẫn viên du lịch "cứng nghề" khi khách muốn tham quan, tìm hiểu về thôn Lô Lô Chải.

         "Tiếng lành đồn xa", khi ngôi làng xinh đẹp của người Lô Lô dưới chân Cột cờ quốc gia Lũng Cú được truyền thông chú ý, khách du lịch săn lùng, lượng khách đến làng tăng đột biến. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, đồng thời nhận thấy đây là ngành nghề mới mang lại lợi ích kinh tế và bảo tồn văn hoá, nên Trưởng thôn Sình Dỉ Gai bắt đầu động viên, hướng dẫn các hộ trong thôn cùng làm du lịch, khách nhà nào đông quá thì giới thiệu cho nhà khác với điều kiện về nhà ở, dịch vụ của các homestay đều khá tương đồng. Năm 2016, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trực tiếp mở lớp tập huấn dạy tiếng Anh, kỹ năng lễ tân, giao tiếp, nấu ăn, giúp người Lô Lô làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp.

        Trong những năm qua, bản thân Anh cùng gia đình luôn luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản về việc chăm lo lao động động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Mặt khác, Anh cùng gia đình luôn nâng cao tinh thần hăng say lao động, sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn thôn về con giống, cây giống, về khoa, học kỹ thuật về kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền cho mọi người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, vận động con cháu chấp hành tốt hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Anh đã vận động nông dân tham gia thành lập chi hội nông dân nghề nghiệp Homestay thôn Lô Lô Chải với 23 thành viên tham gia, chi hội hoạt động trên lĩnh vực liên kết làm dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, giải khát và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của dân tộc để phục vụ du khách trong và ngoài nước đến thăm quan cột cờ Lũng Cú và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ đó các hộ được hỗ trợ cài đặt đã vận hành có hiệu quả các phần mềm, trang mạng; Các hộ gia đình đã biết cách quản trị, kết nối tuor, tuyến du lịch đối với du khách. Đã có hơn 100 lượt khách đặt dịch vụ qua các trang mạng.

       Bên cạnh đó, Anh luôn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản về việc chăm lo lao động động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ đường biên mốc giới, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng các mô hình kinh tế, mỗi thành viên trong gia đình là một tuyên truyền viên tích cực. Bên cạnh đó Anh cũng thường xuyên tham gia các lớp học về nâng cao nhận thức về Quốc phòng an ninh, kiên quyết đấu tranh chống biểu hiện‘‘Diễn biến hòa bình”, ‘‘Bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giáo dục gia đình, dòng họ và vận động người dân không tin, không tham gia học đạo, truyền đạo trái phép, tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào đường lối chủ trương lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

       Vận động gia đình tham gia các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, tổ hòa giải để sinh hoạt chính trị, cùng giải quyết các vụ việc, góp phần giảm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; cảm hóa, giáo dục hàng chục thanh, thiếu niên chậm tiến. Mặt khác, tôi vận động các cháu học sinh trong độ tuổi đến trường, không được uống rượu, bia nhiều gây mất trật tự nơi công cộng. Vận động bà con trong thôn bản tham gia đội văn nghệ của thôn để nâng cao đời sống tinh thần, góp phần bài trừ các thủ tục lạc hậu, những biểu hiện mê tín dị đoan trong việc ma chay, cưới xin, vận động nhân dân tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc một cách có ý nghĩa và tiết kiệm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa bản sắc của các dân tộc Việt Nam.

        Anh Gai tâm sự rằng: “Làm du lịch khó mà dễ, khó là làm sao để tạo sự hấp dẫn, mới mẻ, thu hút khách bằng sản phẩm du lịch độc đáo và chất lượng dịch vụ nâng cao. Dễ ở chỗ mình có sẵn tài nguyên du lịch, chỉ cần biết nắm bắt cơ hội và thị hiếu du khách là có thể thành công. Có thể nói rằng việc áp dụng mô hình khung nhà nông làm du lịch gắn với bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với người nông dân chúng tôi. Mô hình đã giúp những người nông dân như chúng tôi vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững, có thể giúp đỡ được nhiều người khó khăn và tham gia cống hiến được nhiều hơn cho sự phát triển của địa phương và của huyện. Du lịch đã làm thay đổi diện mạo Lô Lô Chải và giúp gia đình tôi thoát nghèo góp phần xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc trên cao nguyên núi đá Đồng Văn, Hà Giang.”

(Anh Sình Dỉ Gai và vợ chụp ảnh cùng khách du lịch tại Homstay của gia đình)

          Kết quả bước đầu đáng ghi nhận:

        Với sự nỗ lực hết mình, từng bước đời sống vật chất, tinh thần của gia đình Anh và các thành viên trong mô hình không ngừng được cải thiện và nâng cao tăng thu nhập kinh tế. Trong 02 năm gần đây, kết quả cho thấy mô hình phát triển kinh tế du lịch Homestay cộng đồng này đã cho thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình và các thành viên trong mô hình du lịch cộng đồng Homestay không ngừng được cải thiện và nâng cao nhằm tăng thu nhập kinh tế cho các hộ gia đình trong chi hội. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi có 02 nhà = 176 m2, với 09 phòng ngủ, nghỉ, đáp ứng được 36 khách/tối, thu nhập bình quân đạt gần 300.000.000đ/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 03 lao động trong gia đình với mức lương đạt từ 5.000.000 đồng - 8.000.000 đồng/tháng.

         Thôn lô Lô Chải có 114 hộ, đến nay đã có 30 hộ làm Homestay, thường xuyên đó khách du lịch. Từ người bản địa, đến người ngoại quốc, ngoại tỉnh đến khách du lịch đều "phải lòng" Lô Lô Chải, muốn đưa Lô Lô Chải thành điểm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Người Lô Lô trước đây chủ yếu là canh tác nông nghiệp, trồng ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp, việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản đều hạn chế. Nhưng từ ngày khách du lịch về làng, người Lô Lô biến những nét văn hoá truyền thống của mình thành sản phẩm du lịch, đời sống người dân đã được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 51,43%, năm 2020 giảm còn 8,77%; năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 chiếm 20,07%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm. Từ đầu năm đến nay, thôn Lô Lô Chải thu hút gần 300 đoàn khách với gần 3.500 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú. Những nếp nhà trình tường xưa cũ trở thành phòng nghỉ có giá trị hàng trăm đến cả triệu đồng mỗi đêm, những nương ngô, nương rau có sứ mệnh sản xuất thực phẩm tươi xanh phục vụ khách du lịch, mỗi người dân Lô Lô chất phát, thật thà, mến khách đều là một hướng dẫn viên thân thiện.

         Với những thành tích trên, Anh Gai đã đạt được tặng rất nhiều hình thức khen thưởng cao quý của tỉnh và chính phủ:  Năm 2021: 01 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Năm 2022: 02 Bằng khen: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; Năm 2023: Được lựa chọn là điển hình của tỉnh dự Hội nghị Tổng kết công tác Thi đua, khen thưởng của 7 tỉnh miền núi biên giới phía bắc năm 2022, tại tỉnh Điện Biên; và vinh dự hơn nữa A còn được lựa chọn là điển hình tiên tiến tiêu biểu của tỉnh dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023) tại Hà Nội và được Thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen.

          Với Anh Gai, đây thực sự là một niềm vinh dự lớn, khích lệ tinh thần và tạo động lực để Anh tiếp tục có nhiều đóng góp giúp đồng bào dân tộc Lô Lô thoát nghèo và từ đó góp phần xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc trên vùng cao nguyên núi đá Đồng Văn, Hà Giang.

(Anh Sình Dỉ Gai nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ)

Như Quỳnh

Tin khác

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý trao thưởng cho em Hoàng Tuấn Dũng tham gia Cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế (22/05/2023 11:06)

Tấm gương dũng cảm cứu người trên sông Lô, thành phố Hà Giang. (10/03/2023 07:40)

Bác sỹ Hoàng Thị Huyền hết lòng vì bệnh nhân nghèo (28/02/2023 08:32)

Người phụ nữ nặng lòng với du lịch (21/10/2022 08:16)

Biểu dương điển hình tiêu biểu người cao tuổi trong phong trào toàn dân Bảo vệ an ninh Tổ quốc (13/10/2022 09:53)