Thứ tư, Ngày 24 Tháng 4 Năm 2024

Gương điển hình tiên tiến

Gửi Email In trang Lưu
“Các mô hình hiệu quả trong phong trào thi đua trên lĩnh vực Giáo dục tại huyện Xín Mần”

26/02/2020 09:38

      Trong những năm qua, phong trào thi đua trên lĩnh vực Giáo dục tại huyện Xín Mần được triển khai sâu rộng, tạo được khí thế thi đua sôi nổi trong các nhà trường và toàn ngành giáo dục, được sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của huyện và sự hướng dẫn sát sao về chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong triển khai nhiệm vụ. Nhận thức của nhân dân, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo được nâng lên. Các chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, học sinh dân tộc, học sinh vùng khó khăn, học sinh nghèo và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần nâng cao tỷ lệ huy động học sinh tới lớp, duy trì sĩ số học sinh và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác xã hội hoá giáo dục ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm và nhân dân ủng hộ, đã có nhiều công trình nhà lớp học, nhà lưu trú học sinh, đồ dùng, thiết bị dạy học được đầu tư từ các nguồn xã hội hóa đã góp phần tích cực vào việc cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn; kinh tế chậm phát triển, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, một số hạng mục công trình của các trường học do được xây dựng đã lâu, nay đã xuống cấp nhưng thiếu nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp. Với sự quan tâm lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, lĩnh vực giáo dục của huyện Xín Mần đã triển khai thực hiện được một số mô hình, cách làm có hiệu quả rất cao.

Mô hình lớp học kiểu mẫu

Được duy trì và nhân rộng theo từng năm học, chất lượng lớp học kiểu mẫu được nâng lên. Hiện nay toàn huyện có 110 lớp học kiểu mẫu (Tiểu học có 60 lớp mỗi trường 3 lớp, THCS 50 lớp). Các lớp học kiểu mẫu đảm bảo tiêu chí xanh, sạch, đẹp, an toàn; giáo dục học sinh có động cơ, thái độ học tập đúng đắn; có hành vi giao tiếp, ứng xử văn hóa; chủ động, tích cực giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ gìn bảo vệ môi trường; tạo không khí thi đua học tập, rèn luyện giữa học sinh với học sinh trong cùng một lớp, giữa các lớp trong cùng một trường, làm cho giáo viên cũng phải thường xuyên trau rồi kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với lớp kiểu mẫu, mô hình lớp kiểu mẫu góp phần hiệu quả vào nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường và ngành giáo dục trên địa bàn huyện Xín Mần.

Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy

Phối hợp với trường Đại học kinh tế và Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Thái Nguyên mở 13 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho 851 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, ôn tập, thi và cấp Chứng chỉ cho các học viên theo quy định. Qua lớp bồi dưỡng kiến thức đã trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết và nâng cao cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn huyện, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng công tác quản trị nhà trường của Ban Giám hiệu và ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên trong công tác sử dụng các phần mềm thuộc lĩnh vực giáo dục, lập hồ sơ điện tử, soạn giáo án điện tử,...

Mô hình rèn công tác nội vụ đối với học sinh nội trú, bán trú

Mời cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện hướng dẫn trực tiếp cho học sinh nội trú, bán trú các trường nền nếp sinh hoạt, học tập, giữ gìn vệ sinh, sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng, gấp chăn màn, quần áo; mời cán bộ, chiến sĩ Công an huyện tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, hướng dẫn học sinh phòng, tránh tai nạn giao thông...; đồng thời làm tốt việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường trên địa bàn.

Mô hình xây dựng Quỹ hỗ trợ cán bộ, giáo viên vay làm nhà ở

Chỉ đạo và cho chủ trương để phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện phối hợp xây dựng Quỹ hỗ trợ đoàn viên ngành giáo dục vay làm nhà ở giai đoạn 2018-2023. Tính đến tháng 8/2019 tổng số quỹ đã huy động được là 578.000.000đ (năm 2018 là 292.400.000đ, năm 2019 là 285.600.000đ), giải quyết cho 13 hộ gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành vay làm nhà ở (năm 2018 cho 07 hộ vay, năm 2019 cho 06 hộ vay), góp phần để cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, phát triển hạ tầng trung tâm các xã của huyện.

Mô hình giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường phổ thông trên địa bàn huyện

Đề án giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào truyền dạy trong các nhà trường trên địa bàn huyện Xín Mần đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, đã thành lập 116 câu lạc bộ sở thích trong các trường phổ thông, tổ chức truyền dạy tổng số 526 chuyên đề, trong đó số tiết học giáo dục kỹ năng sống là 1.305 tiết cho hơn 42.000 lượt học sinh phổ thông tham gia. Học sinh được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng thích nghi với đời sống, xã hội hiện tại như: phòng tránh đuối nước, kỹ năng giao tiếp, phòng tránh tai nạn giao thông, phòng tránh tệ nạn xã hội, gấp chăn màn, quần áo cho học sinh nội trú, bán trú….

Công tác đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường phổ thông đã tổ chức truyền dạy cho hơn 40.000 lượt học sinh tham gia. Thông qua công tác truyền dạy, học sinh được trang bị thêm về văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều học sinh của huyện đã biết tự làm một số nhạc cụ như: Khèn, gậy đồng xu, thêu dệt thổ cẩm, biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, múa khèn, đi khà kheo, múa ngựa giấy...

Ngoài ra, các đơn vị trường học đã tổ chức cho học sinh được trải nghiệm, thăm quan, chia sẻ, học tập kinh nghiệm tại các huyện bạn, tỉnh bạn như: Tham gia biểu diễn văn nghệ văn hóa truyền thống tại Đồng Mô - Hà Nội, Tràng an- Ninh Bình… góp phần quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc huyện, tỉnh Hà Giang nói chung đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Kết quả, đã cử được học sinh phổ thông tham gia Liên hoan dân ca, dân vũ cấp tỉnh lần thứ I năm 2019, kết quả đạt giải nhất các nội dung và giải Nhất toàn đoàn.

Mô hình công tác xã hội hóa giáo dục

Nguồn lực từ xã hội hóa góp phần củng cố, xây dựng trường lớp, nhà lưu trú học sinh, nhà vệ sinh, công trình nước sạch cho các trường, tạo dựng khuôn viên, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp. Số kinh phí trong năm 2019 huy động được: 15.874.793.000 đồng (Mười lăm tỉ tám trăm bảy mươi tư triệu bảy trăm chín mươi ba nghìn đồng), trong đó: Tiền mặt: 1.711.457.000 đồng; xây dựng cơ sở vật chất 6.448.000.000 đồng; Hõ trợ trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập quy thành tiền: 3.2.3.292.000 đồng; Ngày công lao động quy thành tiền: 702.077.000 đồng; hỗ trợ khác như tặng đồ dùng sinh hoạt, các vật dụng phục vụ cho học sinh: 3.809.967.000 đồng.

 

 (Đ/c Vũ Thị Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần tặng quà cho 03 Câu lạc bộ Tiếng anh của 03 trường trên địa bàn huyện - Sưu tầm)

Mô hình nâng cao chất lượng các hoạt trong các trường học

UBND huyện phát động thi đua “nâng cao chất lượng giáo dục; chỉnh trang khuôn viên trường lớp; quản lý và chăm sóc học sinh nội trú, bán trú” năm học 2019- 2020. Mục đích, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các trường học trong toàn huyện cụ thể hóa nhiệm vụ năm học, hướng tới xây dựng các trường học theo hướng chuẩn hóa; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; tăng cường ý thức tự giác, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong việc xây dựng và bảo vệ cảnh quan trường lớp; huy động tối đa các nguồn lực để củng cố, bổ sung cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, tạo môi trường học tập, sinh hoạt và vui chơi an toàn, thân thiện, góp phần thu hút học sinh đến lớp, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục trong nhà trường, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

          Nội dung thi đua theo 07 nội dung (1. Xây dựng lô gô, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi nhà trường; 2. Chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững và thực chất; 3. Chỉnh trang khuôn viên trường lớp; 4. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; 5. Công tác quản lý và tổ chức các hoạt động cho học sinh; 6. Quản lý, chăm sóc học sinh nội trú, bán trú; 7. Xây dựng trường học hạnh phúc).

     Mô hình xây dựng trường chuẩn quốc gia và sáp nhập trường học

Quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhà lớp học, nhà hiệu bộ, nhà lưu trú, nhà ăn, bếp nấu, nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học từ nguồn kinh phí được giao hàng năm và nguồn xã hội hóa cho các trường đáp ứng yêu cầu công tác dạy học. Thực hiện sáp nhập các trường tiểu học, THCS trên cùng địa bàn các xã có quy mô nhỏ về số lớp và học sinh khi có đủ điều kiện theo chỉ đạo của tỉnh để giảm đầu mối và nâng cao chất lượng hoạt động.

(Trường Tiểu học Xín Mần đạt chuẩn Quốc gia mức độ I - Sưu tầm)

Mô hình xây dựng thư viện thân thiện

Trong năm học qua Thư viện thân thiện tại các trường học là một bộ phận trọng yếu, là trung tâm sinh hoạt văn hóa và khoa học của nhà trường. Thư viện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về khoa học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học. Đồng thời, thư viện tham gia tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị và xây dựng nếp sống văn hóa mới cho các thành viên nhà trường”. Thư viện thân thiện được sắp xếp trong khuôn viên, trước sân, vườn trường, dưới gốc cây, với các góc hoạt động đa chức năng như góc đọc, góc vẽ, góc nghe, góc sáng tạo… xây dựng thư viện lưu động, thư viện xanh, Tổ chức phục vụ bạn đọc trong những buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp. Qua đó, các em học sinh luôn thích những điều mới lạ, ưa khám phá nên những sách, truyện có nội dung hay, hình ảnh đẹp luôn kích thích và tạo sự hứng thú mạnh mẽ cho các em. Việc hình thành thói quen đọc sách nếu được quan tâm ngay ban đầu thì sẽ có tác động to lớn đối với cuộc sống của mỗi người. Việc xây dựng thư viện thân thiện là cầu nối đưa sách đến với học sinh, để các em yêu sách, cùng với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục con người.

Mô hình trồng rau dinh dưỡng trong bầu đất

Mô hình trồng rau tại vườn trường được các trường có học sinh nội trú, bán trú thực hiện từ nhiều năm nay. Qua đó cũng góp phần lớn cho các em học sinh được trải nghiệm biết từ khâu làm đất trồng, đóng bầu, cách trồng và chăm sóc “Học đi đôi với hành”. 100% các trường trên địa bàn huyện đã tổ chức thực hiện mô hình trồng rau trong bầu ni lông để cung cấp cho bếp ăn bán trú, nội trú và góp phần gây dựng quỹ lớp.

Qua các mô hình tiêu biểu mà huyện đã xây dựng rất hiệu quả trong phong trào thi đua trên lĩnh vực Giáo dục tại huyện Xín Mần, Huyện đã vinh dự được tham luận nội dung Những giải pháp, cách làm hay và các mô hình hiệu quả trong phong trào thi đua trên lĩnh vực Giáo dục tại huyện Xín Mần” tại Hội nghị tổng kết công tác Thi đua, Khen thưởng năm 2019 của tỉnh để chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác xây dựng mô hình trong lĩnh vực ngành Giáo dục như: Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và giáo dục pháp luật cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Quán triệt đến cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục huyện thực hiện các chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch, phong trào thi đua của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của ngành giáo dục về thực hiện các chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh khá giỏi, phụ đạo cho học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng; quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục mũi nhọn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, công tác giảng dạy và học tập đối với các trường học; Chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn xây dựng quy ước, hương ước, phân công cán bộ, công chức và các đoàn thể chính trị - xã hội, các thôn phối hợp chặt chẽ với các trường học trên địa để vận động tối đa số học sinh trong độ tuổi đi học và duy trì sỹ số học sinh, vận động học sinh bỏ học đi học trở lại; Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học từ nguồn kinh phí được giao hàng năm. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa từ bên ngoài để bổ sung cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cho các trường học đáp ứng yêu cầu công tác dạy - học. Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch hàng năm, tiếp tục củng cố các tiêu chí đối với các trường đã được công nhận để công nhận ở mức độ cao hơn; Tăng cường công tác kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất các trường học trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác chuyên môn, quản lý và nuôi dạy học sinh bán trú. Các đơn vị trường học làm tốt công tác kiểm tra nội bộ, đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; thực hiện sửa chữa, khắc phục các tồn tại, hạn chế của các đơn vị sau khi được kiểm tra; Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành giáo dục và địa phương phát động, tổ chức; chú trọng biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình để động viên kịp thời và nhân rộng...

Trong năm 2019, Từ các phong trào thi đua và qua các mô hình đã xây dựng của ngành Giáo dục huyện Xín Mần phát hiện được rất nhiều điển hình tiên tiến như: Tập thể Trường PTDTBT Tiểu học Quảng Nguyên, Trường Mầm non Nà Chì, Trường THCS Liên Việt; cá nhân Ông Nguyễn Văn Tấn - Giáo viên Trường THCS Bản Díu, Bà Hà Thị Giang - Giáo viên Trường mầm non Nà Chì, Ông Hoàng Kim Đề - Giáo viên Trường PTDT BT Tiểu học Quảng Nguyên, Ông Mai Trọng Nhuận - Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Tả Nhìu...Từ kết quả của ngành Giáo dục, đã góp phần vào những thành tích tiêu biểu của các phong trào thi đua mà huyện đã đạt được, vì vậy trong năm 2019 huyện Xín Mần được Chủ tịch UBND tỉnh trao giải Nhì cho đơn vị dẫn đầu cho phong trào thi đua tỉnh Hà Giang. Đây là một kết quả xứng đáng và các mô hình trong lĩnh vực của ngành Giáo dục trên địa bàn huyện Xín Mần là những điển hình tiêu biểu để các đơn vị khác học tập và noi theo, nhân rộng trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong giai đoạn tiếp theo./.

Như Quỳnh

Tin khác

Thầy và trò Trường THCS Minh Khai quyết tâm phát huy thành tích đã đạt được (14/01/2020 07:36)

“Tấm gương làm giàu của Thanh niên khởi nghiệp Hoàng A Páo trên vùng địa đầu Tổ quốc” (13/01/2020 16:26)

“XỨNG DANH ĐƠN VỊ DẪN ĐẦU TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA CỦA TỈNH HÀ GIANG ” (31/12/2019 10:20)

GẶP MẶT, TUYÊN DƯƠNG VẬN ĐỘNG VIÊN ĐẠT THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TẠI SEAGAMES 30 (13/12/2019 16:30)

Nghệ sỹ Ưu tú Ma Thị Nết hết mình vì nghệ thuật (26/11/2019 09:26)