Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Hoạt động của Hội đồng TĐKT các cấp

Gửi Email In trang Lưu
Hội thảo khoa học “Tính thiết thực, hiệu quả trong các phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Cơ sở khoa học - Thực tiễn”

24/06/2014 15:54

Sáng ngày 11/6, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “Tính thiết thực, hiệu quả trong các phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Cơ sở khoa học – Thực tiễn” nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2014) và thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 30 báo cáo của các nhà khoa học, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo Sở Nội vụ, Ban Thi đua – Khen thưởng của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các tham luận có cái nhìn sâu hơn, đa chiều hơn, có tính phản biện hơn về tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào thi đua trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, từ đó góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Hội thảo nhằm làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về bản chất của thi đua, phong trào thi đua và phong trào thi đua yêu nước để khẳng định tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước hiện nay, đồng thời vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào tổ chức thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước hiện nay. 
 
Cách đây 66 năm ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Kể từ đó, ngọn cờ tư tưởng Thi đua ái quốc của Người đã trở thành phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để nhận thức sâu sắc hơn trên cơ sở khoa học và thực tiễn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là tác dụng, động lực của các phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. 
 
Tại Hội thảo một số nội dung quan trọng về công tác thi đua, khen thưởng và việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng của Bác trong những năm qua được các đại biểu thảo luận và đề ra các giải pháp để tổ chức các phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả, thiết thực hơn theo tư tưởng của Bác.
 
Đầu tiên là Quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua và phong trào thi đua
 
C.Mác – Ph.Anghen là những người đầu tiên nghiên cứu một cách khoa học về bản chất, nội dung thi đua. Thi đua là một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan, là quy luật phát triển tất yếu của quá trình hợp tác lao động của con người, ở đâu có hợp tác lao động thì ở đó nảy sinh ra thi đua. Theo C.Mác: “bản thân sự tiếp xúc xã hội trong quan hệ giữa con người và con người đã làm nảy sinh thi đua, một sự thức tỉnh đặc thù nghị lực sống của con người nhằm nâng cao năng suất lao động”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Cách mạng khó khăn, sự cần thiết phải tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa”. Vận dụng sáng tạo quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, thi đua xã hội chủ nghĩa vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên một tầm tư tưởng, đường lối chính trị, coi thi đua yêu nước là biểu hiện lòng yêu nước của Việt Nam, thi đua yêu nước là cốt cách, phẩm chất đạo đức của người Việt Nam yêu nước.
 
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Nhà nước ta lần đầu tiên chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc. Từ đó, Người đã lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta liên tục phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước – làm cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển hết sức mạnh mẽ, động viên, thu hút tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức tham gia.
 
Người khẳng định: “Hễ là người Việt Nam yêu nước thì phải thi đua, thi đua là yêu nước. Thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công.
 
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, thi đua, khen thưởng đã tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh. Chỉ thị 35-CT/TW, Chỉ thị 39-CT/TW và Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, những thành quả to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cách mạng Việt Nam gắn liền với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua ái quốc trên phạm vi cả nước”; “phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động thi đua, bám sát thực tiễn gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị”.
 
Tuy nhiên, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ, phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, liên tục, nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Nguyên nhân xét một cách tổng thể và nghiêm túc, có thể nói rằng chúng ta chưa tạo ra và chỉ rõ tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước, chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của thi đua.
 
Thứ hai, tính thiết thực, hiệu quả là một trong những nhân tố quyết định chất lượng các phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
 
Hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước là phải thực sự tạo ra phong trào tự giác của quần chúng, phải lập nên những thành tích, chiến công nổi bật, phải tạo ra và làm xuất hiện nhiều điển hình, nhân tố mới, những lá cờ đầu có sức cổ vũ, động viên mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân. Đánh giá một địa phương, một đơn vị thật sự phong trào thi đua có tính thiết thực, hiệu quả hay không, phải thể hiện cho rõ các đối tượng chủ yếu sau: quần chúng tích cực tự giác tham gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; xuất hiện những điển hình nhân tố mới, có điển hình lá cờ đầu; sau mỗi phong trào thi đua không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà các tổ chức khác trong mỗi địa phương, đơn vị và các thành viên đều tiến bộ, trưởng thành, tức là được việc, được người, được tổ chức. 
 
Tính thiết thực, hiệu quả của phong trào thi đua còn thể hiện ở chỗ phải xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp thi đua thể hiện sinh động, hài hòa ba lợi ích: Lợi ích của người lao động; lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội, trong đó rất chú ý lợi ích trực tiếp của người lao động – lợi ích là động lực rất quan trọng và cũng thể hiện tính thiết thực, hiệu quả nhất của phong trào thi đua.
 
Thứ ba là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vào sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay theo tinh thần Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 200 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề thi đua ái quốc và khen thưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chỉ có dưới chế độ dân chủ và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua”. 
 
Thực hiện tư tưởng của Người, trải qua 66 năm lịch sử xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước ở nước ta đã góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo tồn, phục hưng và phát triển đất nước, đồng thời cũng để lại nhiều bải học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay.
 
Để vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng phong trào thi đua yêu nước trong điều kiện nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. 
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghiên cứu và làm rõ những luận điểm cơ bản như: Vai trò và tác dụng to lớn của các phong trào thi đua yêu nước theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có chủ trương, quan điểm và tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước nhằm tập hợp, vận động nhân dân tham gia thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước; gắn kết các phong trào thi đua yêu nước thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc với mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trên cơ sở thấu suốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thi đua phải toàn dân, toàn diện, lâu dài, rộng khắp, không chỉ trong thời gian này, không chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào để tổ chức phong trào thi đua yêu nước; công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua.
 
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Trần Thị Hà hoan nghênh những tham luận của các nhà khoa học, các vị đại biểu, đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đó là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong tổ chức phong trào thi đua trong giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, cần phải xây dựng, nêu gương và nhân rộng các điển hình, nhân tố mới trong các phong trào thi đua trong giai đoạn hiện nay. Phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và Chỉ thị 03-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo động lực thúc đẩy và phát triển các phong trào thi đua yêu nước. Những biện pháp nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý làm công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn tin: banthiduakhenthuongtw.gov.vn

Tin khác

Hội thảo đổi mới công tác thi đua khen thưởng tỉnh Hà Giang (24/06/2014 15:38)

Nuôi cá chiên lồng – nghề mới thu nhập cao (07/04/2014 15:49)