Thứ năm, Ngày 9 Tháng 5 Năm 2024

Diễn đàn trao đổi

Gửi Email In trang Lưu
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và sự vận dụng của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay

24/06/2015 18:08

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác thi đua, khen thưởng. Đối với Người, làm tốt công tác thi đua khen thưởng sẽ giúp ích rất lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì vậy trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn quan tâm chăm lo đến thi đua và tìm mọi cách để cho thi đua phát triển sâu hơn nữa, rộng rãi hơn nữa. Tư tưởng đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kế thừa và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, thi đua xã hội chủ nghĩa vào cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng, coi tổ chức thi đua là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, biến thành sức mạnh, động lực để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Theo Người, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”. 
 
Về nội dung của thi đua, Người đã nhấn mạnh “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”. Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”. Mặt khác, trong tổ chức phong trào thi đua yêu nước phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”. Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo. Trong 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, có điều: “Nói thì phải làm”, và sau này, Người nhấn mạnh: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. 
 
Về phương pháp của thi đua,  Người yêu cầu, phải kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Cần nhanh chóng biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt. Đảng lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước: Lãnh đạo phải cụ thể, kịp thời, thiết thực có trọng tâm và nắm điển hình. 
 
Trong hai cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Ngoài chiến trường các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, diệt giặc đói, giặc dốt, khẩu hiệu: Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền tuyền và người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua… đã được đẩy mạnh rộng khắp trên khắp các chiến trường, tạo khí thế thi đua sôi nổi, lôi cuốn được đông đảo mọi người tham gia. Những phong trào thi đua của thanh niên cũng nở rộ như hoa mùa xuân như: Phong trào thanh niên xuống đường hát cho đồng bào tôi nghe, nghe đồng bào nói, phong trào ba sẵn sàng, ba đảm đang, phong trào noi gương các anh hùng liệt sĩ với các câu nói bất hủ nhằm thẳng quân thù mà bắn, hãy nhớ lấy lời anh…đã dấy lên mạnh mẽ.
 
Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng và Nhà nước ta phát triển và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của đất nước, để lại những dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị và có sức sống mãnh liệt. Ngày 21/5/ 2004 Bộ Chính trị đã ra chỉ thị 39/CT-TW về việc “ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã tiếp tục nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”; Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”… Trên khắp đất nước, trong các ngành, các giới, các tổ chức chính trị xã hội đã và đang dấy lên các phong trào thi đua lao động sáng tạo sôi nổi rộng khắp và phát triển mạnh mẽ như: Phong trào xoá đói giảm nghèo, thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ xung kích; phong trào vì an ninh tổ quốc; rèn đức luyện tài, con cháu thảo hiền; phong trào xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá… Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới. 
 
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn. Từ những ngày đầu phong trào phát động, được kiểm nghiệm từ thực tiễn của hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã được sự hưởng ứng và cổ vũ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ, vượt qua những thời điểm khó khăn của đất nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, xây dựng một xã hội tốt đẹp. Nhằm tiếp tục thực hiện tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là ngày truyền thống Thi đua yêu nước. Cho đến nay những lời dạy của Bác Hồ về vấn đề thi đua vẫn còn mang nhiều ý nghĩa và giá trị thực tiễn sâu sắc. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới và phát triển trong xu thế hoà nhập hiện nay, những tư tưởng về thi đua yêu nước của Bác vẫn luôn là nền tảng, là động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban ngành trong xã hội hưởng ứng tham gia. 
 
Năm tháng sẽ trôi qua, đất nước đang trên đà hội nhập, mở cửa và phát triển với nhiều thành tựu mới trên những lĩnh vực khác nhau, nhưng tư tưởng về thi đua yêu nước của Người vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay, vẫn là kim chỉ nam định hướng cho những người làm công tác thi đua, khen thưởng, cổ vũ, động viên tất cả mọi người nắm tay nhau thật chặt để cùng bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Nguồn tin: thiduakhenthuongvn.org.vn

Tin khác

Suy nghĩ về đổi mới phong trào thi đua yêu nước (15/06/2015 08:49)

Nghiệp vụ trong tổ chức thực hiện nghi thức công bố, trao tặng và đón nhận khen thưởng (19/05/2015 09:56)

Thực hiện “đăng ký danh hiệu thi đua” hay" đăng ký tham gia phong trào thi đua"? (07/05/2015 15:26)

Nâng cao chất lượng công nhận sáng kiến các cấp (14/04/2015 17:13)

Công an Huyện Quang Bình thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy (18/03/2015 14:39)